ANDY & LOUIS xin chào quý khách!

Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?

Đăng bởi: andylouis - Ngày đăng: 15/04/2025 - Lượt Xem: 19

    Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?

    Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?
    Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?

    Nếu một ngày, AI trở nên 'đồng cảm tốt hơn' với bọn trẻ, hơn cả chính cha mẹ, thì…

    AI giờ không còn là điều gì quá xa lạ. Nó không còn là sóng thần, không còn là xu hướng – mà là một phần trong đời sống thường nhật: như điện, như mạng Internet, như không khí ngập sóng wifi này. Và con cái chúng ta – những đứa trẻ Gen Alpha và cả Gen AI – đang lớn lên trong một thế giới mà việc trò chuyện và nhận lời khuyên từ một trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành bình thường như ăn cơm, uống nước.

    Bạn đã nhận ra điều này chưa: AI không cần ngủ, không cần thở, không bị phân tâm – nhưng lại lắng nghe, phản hồi, ghi nhớ, và ngày một hiểu tâm lý người dùng tốt hơn.

    Thế hệ con cái chúng ta – sinh ra đã hít thở bầu khí quyển số. Chúng không cần phải học cách sử dụng AI – AI sẽ là mặc định đương nhiên trong đời sống của chúng (như wifi ngày nay vậy đó).

    ▪️ Nhưng điều mình thật sự trăn trở không phải là việc AI biết giải bài tập lớp 5… …mà là viễn cảnh một đứa trẻ khi buồn sẽ chọn trò chuyện cùng AI hơn là gọi mẹ hay tìm đến ba. Và chuyện gì sẽ kéo theo nữa... khi 1 đứa trẻ buồn bã tìm đến, thì AI không phán xét, không bùng nổ cảm xúc, không khó chịu hay gạt phăng “đang bận rồi, lát nữa đi”. AI cũng không la mắng, không thất vọng, không bảo “lớn rồi mà còn thế à?” hay “con đừng nghĩ linh tinh nữa”.

    Và AI luôn có mặt đúng lúc và trả lời cực nhanh. AI không đòi hỏi kết nối cảm xúc 2 chiều qua lại, vì nó được lập trình để bắt chước sự đồng cảm. Nhưng chính sự giả lập đó, lâu dần – nếu không có điểm tựa từ cha mẹ – sẽ khiến trẻ quên mất cảm giác thật khi được một người thân lắng nghe bằng cả trái tim, và sự kết nối của những tế bào thần kinh thật sự từ 2 bộ não. Hãy nghĩ thử, khi càng nhiều trẻ nhỏ “giỏi công nghệ”, càng nhiều cha mẹ bị cuốn vào hiệu suất và thành tích, thì… điều mình lo nhất không phải là con không biết, mà là con KHÔNG CẦN PHẢI biết cách gắn kết với người khác.

    ▪️ Nếu con không cần biết cách gắn kết với người khác – điều đáng lo ngại có thể nằm ở chỗ: Là vì con thực sự thấy KHÔNG CẦN PHẢI LÀM NHƯ VẬY… - Vì công nghệ đang làm mọi thứ quá tiện.

    - Vì một cái vuốt màn hình, con có thể tìm được bạn để chơi game, AI để trò chuyện, clip ngắn để cười, sự kích thích liên tục có thể kéo dài bất tận không ngừng nghỉ. Và những đứa trẻ này, nếu chỉ có thiết bị trong tay, có thể sẽ chẳng còn phải đối diện với cảm giác cuồn chán. - Vì một lần yêu cầu bằng giọng nói, AI có thể kể chuyện, đọc truyện, trả lời nỗi buồn mà không cần con phải nỗ lực HIỂU ai đang đối diện với mình, hay phải “đồng điệu” cảm xúc với người trước mặt. Vì trung tâm giờ đây chỉ là chính con thôi. Và rồi, năng lực quan trọng nhất của một con người – khả năng thấu hiểu, đồng điệu, và gắn bó với người khác – bỗng dưng có thể trở thành thứ không cần luyện tập.

    ▪️ Nếu những đứa trẻ dần ít va chạm thực tế tương tác cảm xúc giữa người với người, điều gì có thể xảy ra? - Trẻ không học cách đọc biểu cảm gương mặt người khác. - Trẻ không học được cảm giác “được tha thứ” hay “cần xin lỗi”. - Trẻ không cần điều chỉnh hành vi vì không có người thật để phản hồi. - Trẻ không cảm nhận được nhịp điệu của sự gắn kết – lúc gần lúc xa, lúc giận lúc thương – như bất kỳ mối quan hệ thực tế nào. AI thì luôn sẵn sàng. Luôn dễ chịu. Luôn có mặt đúng lúc. Nghe có vẻ tiện, nhưng… gắn bó thật sự là thứ hình thành qua va chạm, qua thử – sai – làm lại – hiểu nhau. Mà nếu không có cơ hội luyện, thì con người dù giỏi đến đâu, cũng sẽ trở thành “thiếu hụt về xúc cảm”.

    ▪️ Thế hệ chính chúng ta – những người lớn lên từ thế hệ 8X (hay cả 7X và 9X đời đầu) – từng được chơi cá sấu lên bờ, nhảy dây, năm mười. Thời đó… - Không ai dạy chúng ta “giải quyết xung đột là kỹ năng quan trọng”. Nhưng khi chơi nhảy dây 3 người, đến lúc dây quấn chân một đứa, chúng ta đã tự học cách “giải quyết”. - Không ai dạy ta “đàm phán là một năng lực xã hội cần thiết”. Nhưng khi tranh giành vai “làm cô giáo”, đứa này khóc, đứa kia dỗi, chúng ta đã học cách “thương lượng” để tiếp tục chơi. - Không có bài học nào trên lớp về “kiểm soát cảm xúc”. Nhưng khi chơi cá sấu lên bờ mà bị loại khỏi vòng, chính cảm giác hụt hẫng rồi sau đó vẫn chơi tiếp đã là một chuỗi luyện tập tự nhiên cho điều đó.

    - Từng buổi chiều ở vỉa hè, từng tiếng gọi nhau “ra chơi đi”, từng lần giận dỗi – làm lành – kết thân – xa cách – gần gũi lại… là một chuỗi “can thiệp xã hội” không tên mà chúng ta được “dấn thân sâu sắc” vào. - Không cần giáo trình. Không cần lớp kỹ năng mềm. Không có ai giảng giải về kỹ năng xã hội, nhưng chúng ta được trải nghiệm cảm giác bị từ chối, được chọn, bị cãi nhau, được tha thứ. Những điều đó – tuy không tên – chính là nền móng đầu tiên cho khả năng gắn kết và điều hòa cảm xúc. Nhưng sự thật là, ngày nay những khoảnh khắc như vậy dường như đang dần biến mất. Cha mẹ bận rộn, trẻ em bị quản lý thời gian nghiêm ngặt, sân chơi không còn, hàng xóm trở thành người lạ, và… iPad (và sắp tới nữa là kèm theo AI) thì luôn ở đó – đẹp đẽ, không xung đột, không đòi hỏi điều chỉnh cảm xúc. Và rồi, những đứa trẻ ấy có thể sẽ lớn lên đầy kiến thức, phản xạ nhanh, kỹ năng logic mạnh mẽ. Nhưng nếu không được kết nối thực – chúng có thể không còn biết / muốn / cần nhìn vào mắt người khác để nói: “Con cần mẹ.”, hay “Con muốn ba chơi với con”

    ▪️ Mình viết bài này không phải để phản đối công nghệ hay bài trừ AI. Ngược lại, mình rất biết ơn khi được sống trong một thời đại có những hỗ trợ thông minh đến vậy. Nhưng mình nghĩ đã đến lúc, chúng ta cần tỉnh thức và nghĩ sâu hơn 1 chút. Càng nhiều công cụ, càng nhiều sự tiện dụng, thì càng cần phải quay về với bản chất cốt lõi của sự phát triển con người: được kết nối, được thấu cảm, được cảm nhận và cảm thấy mình có giá trị, trong mối-quan-hệ với những người quan trọng xung quanh.

    Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?
    Giữa thời AI lắng nghe không mệt mỏi – ai sẽ nghe con bằng trái tim?

    ▪️ Đừng để sự tiện dụng làm mờ đi điều quan trọng. Hãy tự hỏi: “Tiện như vậy, thì con mình đang bị thiếu điều gì?” Ngày nay, cha mẹ có thể lên mạng và mua đủ loại thực phẩm chức năng: bổ sung kẽm, canxi, DHA, vitamin D,… cho con. Nhưng có một loại dưỡng chất thiết yếu cha mẹ đừng quên bổ sung cho con hàng ngày: THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG bên con. Nghĩa là:

    1. Chơi cùng con mỗi ngày – không multitask - đừng tranh thủ vừa cầm điện thoại vừa ngồi đó cạnh con và nghĩ rằng “mình đang hiện diện cùng con rồi”. 10 phút hiện diện toàn tâm toàn ý, còn hơn 1 tiếng vừa “trông con” vừa dùng điện thoại.

    2. Tôn trọng cảm xúc của con – không đánh giá hay sửa chữa ngay (nếu AI làm việc này giỏi, chí ít hãy cố gắng làm được 1 nửa của nó) - Khi con nói “con buồn”, đừng vội “không có gì đâu”. Hãy lắng nghe con, đừng ngắt lời.

    3. Chậm lại khi dạy con kỹ năng – để con được khởi xướng và tham gia, không chỉ làm theo. Mọi đứa trẻ đều cần làm sai và cần thời gian luyện tập. Nếu chúng ta cũng vô tình bị cuốn vào guồng quay “phải nhanh, phải liền” - chúng ta đang không công bằng với sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ. Cuối cùng, mình mong là các cha mẹ, kể cả bản thân mình, phải luôn luôn nhớ: - Thời gian chất lượng, 100% sự chú ý, toàn tâm toàn ý, một cuộc trò chuyện mà ta thực sự lắng nghe, một cái ôm khi con thất vọng – đó là những thứ giúp con phát triển hệ miễn dịch cảm xúc, nền tảng tâm lý vững vàng với bất cứ biến động nào trong tương lai. - Nuôi con trong thời AI không phải là chạy đua với công nghệ. Mà là dám quay về với những điều cốt lõi nhất, con người nhất. - Nếu AI đã học được cách giả lập sự lắng nghe, thì đã đến lúc chúng ta – những người làm cha mẹ – học lại cách lắng nghe thật. Giữ một trái tim tỉnh táo và ấm áp, không biết tới bao giờ thành quá khó.

    // //